ỨNG DỤNG LƯU ĐỒ THIẾT KẾ CẤU TRÚC BAO BÌ HOÀN CHỈNH VỚI MÁY CHẾ TẠO MẪU THỬ - GIẢI PHÁP TỐI ƯU CHO NGÀNH BAO BÌ
Bộ môn Kỹ thuật Bao bì
Khoa In & Truyền thông
Đã từ rất lâu rồi ngành bao bì của Việt Nam vẫn dừng lại ở mức sản xuất thủ công, đặc biệt là khâu thiết kế cấu trúc bao bì. Chính vì không có một lưu đồ thiết kế và chế tạo mẫu hoàn chỉnh mà sản phẩm bao bì của chúng ta không tinh xảo do mò mẫm bằng tay, chúng ta vẫn không xác định được các thông số ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và khả năng chịu tác dụng lực của vật liệu do không thể xây dựng mô hình để tính toán trên máy tính từ trước khi sản xuất, không thể mô phỏng được quá trình đóng gói sản phẩm và các giải pháp thay đổi giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra. Tất cả đều thực hiện thủ công và mất rất nhiều công sức nhưng hiệu quả đạt được lại không cao
Trong những năm qua và đặc biệt là qua hội thảo về Bình trang điện tử tại khoa In & Truyền thông trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, các nhà in đã từng bước áp dụng thử lưu đồ thiết kế cấu trúc bao bì của hãng sản xuất nổi tiếng nhất hiện nay trong lĩnh vực này - Esko Graphic - thông qua phần mềm Artios Cad, tuy nhiên tất cả những thử nghiệm này chỉ mang tính đón đầu và mô phỏng cho khách hàng xem chứ chưa ứng dụng hoàn chỉnh vì còn thiếu một thiết bị quan trọng nhất, đó chính là máy làm mẫu thử bao bì có thể kết nối với các lưu đồ sản xuất hiện đại với CIF 4 và JDF.
Trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo cho ngành bao bì tại bộ môn Kỹ thuật bao bì của Khoa In và TT truờng đại học SPKT TP.HCM, Khoa đã nhận thức được rằng nếu không có thiết bị này thì việc đào tạo ngành bao bì là vô nghĩa nên đã nỗ lực hết sức để xây dựng dự án đầu tư một phòng thí nghiệm thiết kế cấu trúc bao bì với đầy đủ lưu đồ sản xuất và thiết bị hiện đại. Vào giữa tháng 1 năm 2011, các thiết bị đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, như vậy sau nhiều năm chờ đợi và nỗ lực khoa in & TT đã có thể tiến hành nghiên cứu và đào tạo nghiêm túc cho lĩnh vực bao bì.
Chúng ta sẽ xem xét thực trạng của việc sản xuất bao bì hiện nay và những bước đột phá khi có thiết bị chế tạo mẫu hoàn chỉnh để thấy được giải pháp tối ưu khi ứng dụng nó.
1. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA VIỆC SẢN XUẤT BAO BÌ THEO KIỂU TRUYỀN THỐNG
Ngành sản xuất bao bì hộp của nước ta trong những năm gần đây đã được các cơ sở in, các nhà sản xuất bao bì chú ý đến nhiều và cũng đã có nhiều sự đầu tư cho quy trình thiết kế – chế bản của mình với các loại máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại, tính chuyên môn hoá trong quy trình sản xuất và phân công công việc ngày càng cao. Tuy nhiên mức độ tự động hoá trong công việc vẫn chưa được tối ưu, thời gian sản xuất vẫn còn kéo dài. Điều này là do:
• Độ chính xác trong quá trình sản xuất chưa cao.
--Công đoạn đầu tiên nhất, quyết định nhất để thiết kế ra một bao bì hộp là phải xây dựng cấu trúc của nó, thông thường ở công đoạn này cấu trúc của hộp được tạo trong các phần mềm chuyên dụng như Adobe Illustrator, Corel, Freehand… với độ chính xác cho các thông số về độ dài, góc bo… chưa được cao, mọi tính toán phải làm bằng tay rất thủ công mà lại không kiểm soát chặt chẽ được sai hỏng.
--Khi thiế tke cấ utrú cthì hình dạ ng khuô nbe ít khi được bù trừ, và nếu có thì vẫn chưa theo một chuẩn mực nào, chưa để ý nhiều đến các thông số quan trọng như độ dày dao và độ dày giấy. Điều này làm cho bộ phận làm khuôn rất khó khăn tuy đầu vào của bộ phận này cũng đã được kiểm soát chặt chẽ (là file, phim, bài mẫu gốc, bản vẽ kỹ thuật, bản phân tích kỹ thuật, tờ in khung định hình…) thế nhưng những người thợ ở đây vẫn phải thiết kế lại hình ảnh từng hộp trên khuôn bằng cách vẽ thêm các đường đã bù trừ (các số bù trừ cũng theo ước lượng – thông thường chỉ bù trừ độ dày giấy), các góc bo cần thiết để dễ làm khuôn, các ký hiệu trên tờ phim để đặt các loại dao thích hợp. Điều này làm cho quá trình làm khuôn bế cho một sản phẩm phải mất khá nhiều thời gian.
--Các hình ảnh đồ họa cho mẫu thiết kế cũng được tạo ra dựa vào khuôn bế, do đó nếu khuôn bế sai thì vị trí, kích thước các hình ảnh này trên hộp cũng sai.
--Khả năng bố trí khuôn bế không nhanh và không sắp xếp các hộp trên khuôn ở vị trí chính xác sao cho lợi giấy nhất do chỉ sử dụng Step and Repeat trên các phần mềm thông dụng như AI, Corel, Freehand, Quark, PageMaker hay bình trên các phần mềm bình trang điện tử vì khi bình vẫn phải tự tính toán các thông số đan lồng cho các hộp mà chưa sử dụng phần mềm nào có chức năng tự động tính toán cách bố trí dựa trên các thông số về khoảng cách giữa hai hộp (khoảng cách giữa hai “con” trên khuôn bế), các thông số chừa xén đã nhập vào phần mềm (như trong ArtiosCAD).
--Khuôn bế sau khi thiết kế vẫn chưa được dàn chính xác trên tờ in, chưa có một tiêu chuẩn nào đặt ra chung cho các cơ sở in để căn cứ vào đó chừa các khoảng cách khi bố trí. Do đó, có nơi khi dàn khuôn vẫn chưa tiết kiệm được giấy trong khi giấy là nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất và do đó chưa thể tăng số tiền lãi cho cơ sở in và giảm giá thành để giá cả cạnh tranh được với các công ty khác.
• Thợ làm khuôn sau khi có phim định hình vẫn chưa làm được khuôn ngay mà thường phải chờ tờ vỗ bài có khung định hình tới thì mới xếp thử, canh chỉnh, vẽ lại tờ phim theo tờ vỗ bài trước và sau khi bế (co giãn bao nhiêu so với ban đầu, chừa giấy bao nhiêu để gấp hộp được…). Làm khuôn sau khi in vỗ bài như vậy sẽ làm giảm tốc độ sản xuất (phương thức sản xuất nối tiếp không thể nhanh bằng phương thức song song hay phương thức hỗn hợp).
• Phế phẩm nhiều do độ chính xác chưa cao ở từng khâu trong quá trình sản xuất.
• Thời gian chỉnh sửa lâu, muốn chỉnh sửa thì phải đi ngược lại nhiều khâu, do đó làm tốn nhiều nhân công.
• Mức độ nhanh chóng và tự động hoá trong các công đoạn chưa cao.
• Năng suất và hiệu quả sản xuất chưa cao sẽ làm công ty chưa thể có lợi nhuận cao.
2. CÁC KHẢ NĂNG HỖ TRỢ CỦA HỆ THỐNG THIẾT KẾ VÀ LÀM MẪU BAO BÌ
Chúng ta hãy cùng nhau phân tích xem hệ thống thiết kế và chế tạo mẫu bao bì với máy chế tạo mẫu bao bì (sample making) có thể làm được những gì để hỗ trợ các nhà sản xuất trong việc thiết kế và hoàn thiện các sản phẩm bao bì.
2.1. Hỗ trợ cho nhà thiết kế kiểu dáng chuyên nghiệp
Chắc chắn các nhà thiết kế kiểu dáng bao bì đã gặp không ít khó khăn để tìm kiếm và triển khai một mẫu hộp đúng tiêu chuẩn khi họ không phải là chuyên viên kỹ thuật in. Trong lưu đồ sản xuất hiện đại với phần mềm ArtiosCad và hệ thống thư viện hộp chuẩn thì các nhà thiết kế không cần lo ngại về việc xây dựng kiểu dáng hộp không đạt yêu cầu kỹ thuật do các đặc tính sau:
• Thiết kế cấu trúc hộp theo các quy cách chuẩn định sẵn
• Có thể sử dụng lại những mẫu chuẩn có sẵn
• Có thể kiểm tra cấu trúc mẫu trên không gian ảo 3D
• Có thể liên kết các chức năng trong phần mềm và chuyển tiếp qua lại giữa các phần mềm
2.2. Hỗ trợ người thiết kế cấu trúc bao bì:
Nếu bạn là người thiết kế cấu trúc bao bì, đã bao lần bạn thật sự căng thẳng khi thử nghiệm về độ chịu lực, độ bền nén, độ cao rơi… của hộp hay thùng carton mà không có mẫu hộp thật !? Bạn phải làm hộp thủ công, bằng tay, giải pháp này chắc chắn không đáp ứng nhu cầu của bạn về thời gian cũng như về chất lượng. Đã là “dân ngành In”, chúng ta đều hiểu rằng không thể làm khuôn bế cho một hay vài hộp chỉ để thử nghiệm, tính kinh tế và thời gian không cho phép chúng ta làm điều này. Máy chế tạo mẫu thử bao bì là giải pháp tối ưu cho các bạn, đảm bảo tính chính xác, thời gian và hiệu quả kinh tế cao nhất.
2.3. Hỗ trợ kỹ thuật viên chế bản
Nhiều KTV chế bản không hiểu tại sao những file khuôn bế đã xuất phim với kích thước hoàn toàn chính xác mà vẫn bị trả lại, yêu cầu cần gia giảm và điều chỉnh mới làm khuôn bế được. Đó là vì họ không nắm được nguyên tắc bù trừ độ dày vật liệu khi làm khuôn. Phần mềm chuyên dụng của máy chế tạo mẫu bao bì sẽ hỗ trợ cho bạn tất cả những thiếu sót trong chế bản
2.4 Hỗ trợ cho nhân viên phòng kinh doanh
Có lẽ điều phải suy nghĩ đầu tiên của mỗi nhân viên kinh doanh khi triển khai một mặt hàng nào đó chính là: cách sắp xếp mẫu cho phù hợp nhất, tiết kiệm nhất, và thuận lợi nhất trong sản xuất. Lưu đồ làm việc với máy chế tạo mẫu thử Sample Making sẽ giúp các nhân viên phòng kinh doanh tính toán một cách nhanh chóng và chính xác nhất
Phần mềm chuyên dụng của máy chế tạo mẫu bao bì tự động kiểm tra loại giấy, mặt trong hay mặt ngoài giấy, định hướng của tờ in để có thể tránh được những sai sót. Các mẫu thiết kế sẽ tự động sử dụng định hướng ngang - dọc của trang in và mặt trong hay ngoài tờ in một cách chính xác khi chúng được đặt vào trang in.
Ngoài ra, lưu đồ sản xuất mẫu thử bao bì còn tự động tính toán khổ giấy để bố trí trang in sao cho chi phí sản xuất thấp nhất. Sau khi chọn máy in, chọn khuôn cấn bế và đưa ra những yêu cầu về chất lượng đối với mỗi mẫu thiết kế, phần mềm sẽ tự động và nhanh chóng thiết kế, bố trí trang in để gợi ý. Các khuôn có chừa những khoảng cách giữa các mẫu thiết kế và đồng thời chúng ta có thể quy định giới hạn in cho các mẫu thiết kế. Việc bố trí tờ in với chi phí in ấn và cấn bế đối với từng giải pháp sẽ được so sánh với nhau và sau đó một giải pháp sẽ được chọn. Giải pháp được chọn này sẽ sẵn sàng để sản xuất hoặc có thể được chỉnh sửa với bất kì một công cụ nào hỗ trợ việc bố trí tờ in.
3. KHẢ NĂNG HỖ TRỢ CỦA KHOA IN & TT ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT BAO BÌ
3.1. Đào tạo kỹ thuật viên bao bì
Kỹ thuật viên Bao bì chuyên nghiệp đang là nhu cầu lớn cho tất cả các xí nghiệp in bao bì. Với phòng thí nghiệm thiết kế cấu trúc bao bì được trang bị đầy đủ lưu đồ sản xuất và thiết bị hiện đại, bộ môn kỹ thuật bao bì có thể đào tạo các KTV bao bì một cách chuyên nghiệp. Với sự nỗ lực của tập thể khoa In – TT, bộ môn không chỉ đưa thiết bị vào hoạt động hiệu quả, mà bên cạnh đó còn xây dựng hệ thống chương trình đào tạo theo nhu cầu một cách thực tế và hiệu quả.
Chương trình đào tạo kỹ thuật viên, chuyên viên, kỹ sư đã được bộ môn kỹ thuật bao bì xây dựng theo hướng cân nhắc thật kỹ các khả năng và nhu cầu của từng đối tượng theo học. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ thật sự hài lòng với cách thức và chương trình đào tạo của bộ moan
3.2 . Hỗ trợ làm khuôn đỡ
Với những công đoạn cấn bế, chúng ta tốn rất nhiều thời gian lên khuôn, tạo khuôn đỡ (tạo chỉ bế) cho máy bế. Thông thường, các công ty sử dụng chỉ bế phải dán bằng tay, điều này ảnh hưởng rất lớn đến độ chính xác và mất rất nhiều thời gian. Còn nếu chúng ta sử dụng các loại chỉ bế có khả năng định vị chính xác cao (như Cito – tên một hãng sản xuất chỉ bế có khả năng định vị chính xác) thì chi phí không ít. Thiết bị chế tạo mẫu bao bì cung cấp một giải pháp hoàn toàn mới, tiết kiệm rất nhiều thời gian, đảm bảo chính xác. Các bạn sẽ nhận được từ chúng tôi là một khuôn đỡ bằng cả một tờ bế lớn đúng kích thước tờ in. Công việc còn lại duy nhất của bạn chỉ là định vị, dán tấm đỡ lên vỉ sắt và bế.
3.3 Chế tạo bản in Flexo
Công nghệ gia công bề mặt ấn phẩm là một công đoạn rất được ưa chuộng của khách hàng in và công ty in hiện nay. Công đoạn này giúp gia tăng giá trị tờ in gấp nhiều lần so với tờ in thông thường. Với Sample Making chúng tôi cung cấp cho bạn các loại bản flexo ứng dụng cho việc tráng phủ từng phần hoặc toàn phần cho sản phẩm in với chất lượng và độ chính xác cao.
3.4 Sản xuất các đơn hàng thử nghiệm và các đơn hàng nhỏ.
• Với những đơn hàng nhỏ, vài chục hay vài trăm hộp, khi đó chi phí làm khuôn bế chiếm tỉ trọng quá lớn trong giá thành sản phẩm. Máy chế tạo mẫu bao bì là giải pháp bế không khuôn cực nhanh và chính xác, giá thành hợp lý vớichất lượng cao.
• Máy chế tạo mẫu bao bì cũng chính là giải pháp duy nhất và tối ưu, giúp các doanh nghiệp hiện thực hoá các ý tưởng cho riêng mình. Thật sự thú vị khi các nhà thiết kế sở hữu những cuốn album với những kiểu dánh độc đáo như: “Album 3D, album lắp ráp, album bay…” với những hình ảnh chụp và dấu ấn riêng của chính mình.
• Máy chế tạo mẫu bao bì còn là giải pháp cho các nhà in KTS, các minilap, vì chỉ in theo nhu cầu thôi chưa đủ mà phải hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu. Không một đơn vị gia công thành phẩm nào nhận đơn hàng chỉ với một sản phẩm có cấu trúc phức tạp với chi phí thấp, nhưng với máy chế tạo mẫu bao bì thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thểthực hiện điều này.