Tác giả :

MÁY IN KỸ THUẬT SỐ HP INDIGO (tiếp theo)

Người dịch: Trần Huy Cường (Khoa In & Truyền thông)

Nguồn: www.hp.com

Mô tả từng bước quá trình in của HP Indigo

Chu kỳ in

Về cơ bản, máy in HP thực hiện các bước vận hành theo trình tự sau:

  1. Tích điện cho PIP (Photo Imaging Plate - tạm dịch “Bản in ghi ảnh bằng tĩnh điện”) được lắp trên trống ghi ảnh.
  2. Ghi hình ảnh lên PIP nhờ một dãy các diode laser quét quanh nó. Các diode laser này được điều khiển bởi bộ xử lý tram hóa hình ảnh (Raster Image Processor) đóng vai trò chuyển đổi những thông tin yêu cầu từ file kỹ thuật số sang những thông tin về mức “năng lượng ghi” cho các diode laser.
  3. Quá trình hiện ảnh được thực hiện nhờ các đơn vị BID (Binary Ink Developer - tạm dịch “Đơn vị cấp phát mực nhị phân”).....
  4. Xả tĩnh điện cho PIP để chuẩn bị cho quá trình truyền hình ảnh.
  5. Truyền hình ảnh in đã được cấp mực sang lô cao su.
  6. Gia nhiệt cho lớp mực của những hình ảnh in trên lô cao suđể định hình hình ảnh in hoàn chỉnh ở dạng lớp mực mỏng và vẫn giữ được độ ướt cần thiết.
  7. Hoàn tất việc truyền hình ảnh in hoàn chỉnh lên vật liệu in nhờ trục ép in.
  8. Loại bỏ mực và điện tích thừa khỏi PIP, làm mát PIP sau khi nó hoàn thành việc tiếp xúc với tấm cao su nóng.

Quá trình vừa nêu được lặp lại cho từng màu in. Chi tiết của các bước này sẽ được làm rõ hơn dưới đây:

1. Tích điện cho PIP

Bước đầu tiên của phương pháp in LEP là thực hiện việc tích điện đồng đều lên bề mặt chất quang dẫn. Việc này có thể đạt được bằng 2 phương thức: thông qua lô tích điện (charging-roller) hoặc, đối với những dòng máy in thế hệ cũ, thông qua việc tích điện bằng dòng corona (scorotrons).Ở cả 2 phương thức này thì các phần tử mang điện (nguyên tử, phân tử và các electron tự do) được tạo ra nhờ hiệu ứng ion hóa không khí dưới điện áp cao.

Dưới tác dụng của điện áp đặt, những phần tử mang điện tích âm được dẫn hướng về phía PIP, trong khi những phần tử mang điện tích dương bị hút về phía trạm nạp điện và được cân bằng điện tích.

Lô tích điện thế hệ mới hiệu quả hơn trong việc tạo ra và dẫn hướng các phần tử mang điện tích về phía PIP. Kết quả là nó đòi hỏi ít không gian và ít phải xử lý hơn so với những hệ thống tích điện bằng dòng corona cũ. Lô tích điện hầu như không tạo ra khí ôzon không mong muốn, và do đó giúp giảm bớt việc phải thay các tấm lọc khí ôzon định kỳ.Để duy trì sự ổn định của quá trình tích điện, các điện áp đặt làm nhiệm vụ truyền các phần tử mang điện tích âm về phía PIP thường xuyên được tự động cân chỉnh để bù lại những thay đổi theo mức độ xả điện của chất quang dẫn.

2. Ghi hình ảnh lên PIP

Khi trống PIP vẫn đang tiếp tục quay, nó quay qua đơn vị ghi ảnh nơi có đến 22 tia laser song song nhau làm nhiệm vụ ghi hình ảnh lên PIP - thực chất đây là quá trình chiếu tia laser vào những vùng có hình ảnh in và cân bằng điện tích tại những vùng đó. Như vậy, khi trống PIP đã được ghi hình ảnh quay qua trạm tiếp theo thì nó đã mang trên mình hình ảnh ở dạng các điểm tích điện ẩn hình tương ứng với hình ảnh cần in.

3. Hiện ảnh

Việc cấp mực được thực hiện bởi các đơn vị BID, mỗi đơn vị phụ trách một màu mực. Các đơn vị BID được chuẩn bị bằng việcphủ lớp mực mỏng ElectroInk (mực đã tích điện) lên trên bề mặt lô của chúng. Trong suốt quá trình in, các lô BID với màu mực tương ứng lần lượt được cho tiếp xúc với trống PIP.Điện trường giữa PIP và BID giúp mực bám dính tốt lên những vùng có hình ảnh in và không bám được tại những vùng không có hình ảnh in, giúp định hình lớp mực một cách chính xác và nhanh chóng. Kết quả của quá trình này là sự thay thế hình ảnh tĩnh điện ẩn hình bằng hình ảnh mang màu mực sắc nét và rõ ràng.

4. Xả tĩnh điện cho PIP trước khi truyền hình ảnh

Ngay trước khi hình ảnh in được truyền sang lô cao su, trống PIP sẽ được quay qua đơn vị xả tĩnh điện (Pre-transfer unit). Đơn vị này sử dụng một bộ các diode quang để chiếu vào PIP, giúp tạo độ dẫn điện đồng nhất trên toàn bộ trống PIP nhằm loại bỏ điện tích còn sót lại trên nền trống. Điều này cho phép việc truyền hình ảnh ở bước tiếp diễn ra hoàn hảo, đồng thời tránh cho những phần tử tích điện trên nền trống PIP khỏi bị tia lửa điện làm phá hủy hình ảnh in cũng như PIP và cao su.

5. Truyền hình ảnh từ trống PIP lên lô cao su

Tiếp đến, trống PIP quay đến vị trí tiếp xúc với tấm cao su đã tích điện của lô truyền, nhờ đó lớp mực được truyền lên cao su.

6. Định hình lớp mực (gia nhiệt cao su)

Lớp mực vừa nhận trên lô cao su đang quay được làm nóng từ nguồn nhiệt của tấm cao su cũng như, trong một số dòng máy in mới, từ bộ phận cấp nhiệt bên ngoài. Nhờ đó mà các phần tử mực đạt được trạng thái bán lỏng và hòa quyện vào nhau.Đồng thời, hầu hết chất dầu mang (carrier oil) của mực bị bốc hơi sẽ được thu hồi vào các hộp chứa mực để tái sử dụng. Kết quả là chúng ta đã có hình ảnh in hoàn chỉnh dưới dạng lớp mực nóng,vừa chớm khô, với độ dày cần thiết.

7. Truyền hình ảnh từ lô cao su lên vật liệu in

Ngay khi mực in tiếp xúc với vật liệu in - nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nóngchảy của các phần tử mực khá lớn - lớp mực sẽ đóng rắn, bám dính vào vật liệu in và được tách hoàn toàn khỏi tấm cao su, đảm bảo 100% mực được truyền từ tấm cao su lên vật liệu in. Do đó, tấm cao su trở nên sạch sẽ và sẵn sàng thực hiện lượt ép in tiếp theo với lớp mực mới của nó.

Phương thức truyền hình ảnh từ lô cao su lên vật liệu in tùy thuộc vào dòng máy in.

Các máy in kỹ thuật số HP Indigo tờ rời sử dụng thứ tự in chồng màu nhiều lượt(Multi-Shot Colour imaging sequence).Với phương thức này, vật liệu in sẽ được giữ tại trục ép in và cho ép in nhiều lượt để nó lần lượt nhận hết màu in này đến màu in khác từ lô cao su. Khi màu in cuối cùng được in xong, vật liệu in sẽ được đảo mặt in (in 2 mặt) hoặc chuyển ra khay ra giấy. Với các máy in HP Indigo dạng cuộn, chúng sử dụng cơ chề in chồng màu một lượt (One-Shot Colour process),điều này thật dễ hiểu vì ta không thể quấn vật liệu in quanh trục ép in để chạy qua chạy lại nhiều lượt. Trong trường hợp này,trống PIP sẽ được quay nhiều lần, truyền lần lượt các màu in và chồng hết chúng lại với nhau trên lô cao su trước khi chúng được truyền tất cả lên vật liệu in chỉ bằng một lượt ép in duy nhất.

8. Trạm làm sạch

Quay trở lại với PIP, sau khi truyền hình ảnh lên lô cao su, nó sẽ quay qua trạm làm sạch để loại bỏ mực in thừa và làm giảm nhiệt độ tích tụ trên PIP trong quá trình tiếp xúc với lô cao su nóng. Đến đây thì bề mặt của của PIP đã hoàn thành một chu kỳin và sẵn sàng để được tích điện chuẩn bị cho lượt ghi hình tiếp theo.

Như đã nói ở trên, các máy in HP Indigo in được nhiều màu là nhờ một tấm cao su trung gian chung. Chu kỳ in sẽ được lặp lại cho từng màu và sự khác biệt duy nhất giữa các chu kỳ là giai đoạn cấp mực và ghi hình ảnh tương ứng theo các màu in.

 

Hình 5. Chu kỳ in của máy in HP Indigo

1. Trạm nạp điện tích

2. Ghi ảnh bằng tia laser

3. Các đơn vị cấp mực

4. Đơn vị xả tĩnh điện

5. Truyền hình ảnh in từ trống PIP lên lô cao su

6. Gia nhiệt lô cao su

7. Truyền hình ảnh in từ lô cao su lên vật liệu in

8. Trạm làm sạch PIP

 

Ưu điểm của in màu gián tiếp kỹ thuật số

Sau khi đã nắm bắt được về công nghệ và phương pháp in, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về những ưu điểm của in màu gián tiếp kỹ thuật số trong phần dưới đây.

Những đặc điểm về mặt chất lượng

1. Độ sắc nét và sự định hình của mực in

Hình 6. So sánh chất lượng khi in bằng mực HP ElectroInk (trái), Offset (giữa) và DEP (phải)

Hình 6 thể hiện hình ảnh phóng đại các điểm tram khi được in bằng mực HP ElectroInk, Offset và DEP. Tất cả các ô màu này đều đã được cân chỉnh sao cho giá trị màu cuối cùng của chúng giống hệt nhau. Khi xem ở độ phóng đại lớn, ta thấy mực in HP ElectroInk tạo ra các chi tiết in sắc nét hơn các phương pháp in còn lại. Với các điểm tram nhỏ, phương pháp in Offset truyền thống tạo ra các “vết nhòe” gây ra bởi quá trình tách dính lớp mực và cân bằng mực-nước, trong khi phương pháp in DEP lại tạo ra rất nhiều hạt lấm tấm gây ra bởi quá trình làm nóng chảy toner vànhững điểm dơ không được kiểm soát xuất hiện giữa các hạt tram.

 

Hình 7. So sánh các đường mảnh khi được in bằng mực HP ElectroInk (trái) và DEP (phải)

 

Hình 8a. So sánh chữ được in bằng mực HP ElectroInk (trái) và DEP (phải)

Hình 8b. So sánh chữ được in bằng mực HP ElectroInk (trái) và in phun (phải)

Sự sắc nét của mực in HP ElectroInk có thể dễ dàng được nhận thấy ở vùng biên của các hạt tram và chữ in cỡ nhỏ (xem hình 7 và 8).Mặt khác, các hình ảnh in với mực HP ElectroInk có nền giấy xung quanh hoàn toàn không bịnhiễm bẩn. Điều này có được trước hết là nhờ kích thước nhỏ của các phần tử mực in,kế đến là nhờ cách thức truyền các phần tử mực HP ElectroInk trong quá trình in. Khác với công nghệ in DEP và công nghệ in phun, mực in HP ElectroInk không được truyền theo kiểu cho bay qua không khí, mà thay vào đó mực in tồn tại ở dạng lớp hồ mỏng trên trống PIP và được “gọt tỉa” một cách chính xác. Điều này giúp tạo ra các vùng biên in rất chính xác và hầu như không làm nhiễm bẩn nền giấy xung quanh. Trong quá trình in, mực in HP ElectroInk từ trống PIP được truyền nhờ sự tiếp xúc với tấm cao su được gia nhiệt.Vì các phần tử mực in nóng chảy và hòa quyện vào nhautạo sức căng bề mặt lớn trong lúc hình thành lớp mực nên giúp tạo ra vùng biên sạch sẽ và sắc nét. Khi được truyền từ tấm cao su lên vật liệu in (giấy hay tấm nhựa), lớp mực in được gia nhiệt khi nãy bắt đầu nguội dần và tạo nên một lớp mực mỏng trên bề mặt vật liệu. Khi in trên giấy, mực in HP ElectroInk đã nguội không bị ngấm vào trong sợi giấy. Do đó, các điểm tram, đường nét và chữ được in vẫn giữ được sự sắc nét và định hình tốt trên bề mặt giấy.

Tuy giống với mực HP ElectroInk ở chỗ không bị ngấm vào trong sợi giấy, nhưng mực toner của DEP lại bị ảnh hưởng xấu bởi kích thước phần tử mực in lớn làm chúng bị phân tán ra vùng biên của hình ảnh và kết quả là sự định hình vùng biên của hình ảnh bị xấu cho dù in trên vật liệu in nào.

2. Mật độ quang học, sự gia tăng tầng thứ và chính xác của chi tiết in

Mật độ quang học (optical density - tức lượng  ánh sáng bị mực in hấp thụ, hay độ tối của mực) được xác định bởi độ dày lớp mực trên vật liệu và mức độ hấp thụ ánh sáng của các thành phần có trong mực in (trong trường hợp này là các pigment). Sự gia tăng tầng thứ cơ học (dotgain)là sự gia tăng kích thước điểm tram trên tờ in cuối cùng so với khi còn ở dạng kỹ thuật số được thiết kế trên file. Đây là hai yếu tố cơ bản quyết định sự ổn định của quá trình in. Với các máy in HP Indigo, cả mật độ quang học lẫn dotgainđều được giám sát một cách thường xuyên, đồng thời các thông số của máy in sẽ tự động được điều chỉnh nhằm giảm thiểu sự biến động bất thường xảy ra khi in. Nhờ đó mà màu sắc và các chi tiết in không bị thay đổi cũng như có thể dự đoán trước được kết quả giữa những lần in khác nhau và giữa các máy in khác nhau. Các máy in HP Indigo tự động điều chỉnh mật độ quang học và kích thước điểm tram sao cho chúng luôn giống nhau giữa bản in này với bản in khác bất chấp những thay đổi nhỏ về các thông số của máy in và những thay đổi vốn không kiểm soát được về sự đồng nhất trong cùng một lô vật liệu in đầu vào.Hơn thế,các máy in HP Indigo còn tích hợp sẵn chức năng bù trừ dotgain làm nhiệm vụ chỉnh sửa cho đúng kích thước điểm tram khi ghi hình và độ dày lớp mực theo vật liệu in được sử dụng.

Với các máy in Offset truyền thống, có rất nhiều biến động bất thường xảy ra trong quá trình in gây ra bởi các yếu tố như: sự thay đổi nhiệt độ của mực và nước máng, sự cân bằng mực-nước và hiện tượng nhũ tương hóa, sự mài mòn bản in và cao su, sự thay đổi độ ẩm không khí và tính chất thấm hút của giấy. Không thể có bất kỳ sự điều chỉnh nào dù là tự động hay bằng tay có thể giải quyết triệt để các biến động này, bởi vì trong suốt quá trình in luôn luôn có một độ trễ nhất định khi sự cố xuất hiện cho đến khi sự điều chỉnh bắt đầu có tác dụng. Với các máy in HP Indigo, các tác nhân ảnh hưởng đến quá trình in có ít hơn và mật độ quang học của hình ảnh in có thể được can thiệp thông qua máy tính bởi thợ in một cách dễ dàng.

Khả năng in theo một thông số màu (color profile) xác định là điều kiện cần thiết để giữ được sự ổn định khi in. Ngoài ra, điểm đặc biệt của các máy in HP Indigo là khả năng in các chi tiết sắc nét và chính xác nhờ sự kết hợp giữa khả năng điều chỉnh năng lượng ghi của laser theo điểm ảnh và công nghệ in với mực HP ElectroInk như đã đề cập ở phần trước. Kết quả của việc kết hợp màu sắc và chi tiết in chính xác là các tờ in không đổi giữa lần in này với lần in khác và giữa máy in này với máy in khác.

Một điều quan trọng không kém là các thông số liên quan đến bài in như mật độ quang học, các thông số màu và thông số về tram sẽ được lưu giữ lại để sử dụng cho những lần in sau. Điều này có nghĩa là các đơn hàng lặp lại sẽ được in giống hệt nhau. Đây là điều rất khó thực hiện với phương pháp in Offset truyền thống do quá phụ thuộc vào tay nghề của người thợ.

 

Hình 9. So sánh điểm tram được in bằng mực HP ElectroInk (trái) và DEP (phải)

3. Sự linh hoạt khi in

Các máy in HP Indigo được thiết kế nhằm tạo ra sự linh hoạt tối đa cho người sử dụng. Những thông số cần thiết lập trướcnhư mật độ quang học của lớp mực, đường truyền tải tầng thứ, thông số tram và cả dotgain đã đượcthiết lập trước khi RIP cũngcó thể được thiết lập lại trước lúc in bằng bàn phím hoặc bằng màn hình cảm ứng,và tờ in sẽ được in ra theo điều kiện vừa thiết lập mà không cần phải RIP lại hay bị chậm trễ thời gian.Ngoài ra, nhờ lớp mực in mỏng và không bị tách lớp (người viết: thường gặp khi in chồng màu) nên gần như không cần phải thay đổi thông số về màu sắc khi thay đổi thông số tram. Điều này cho phép chu kỳ in thử diễn ra nhanh chóng (trong trường hợp cần phải in thử), giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu lãng phí vật liệu.

Dễ dàng thấy rằngnhững khả năngvừa nêu hầu như không có ở các máy in Offset truyền thống. Còn với các máy in DEP, do bị giới hạn bởi việc các lớp mực toner dày tương tác mạnh với nhau nên bất cứ sự thay đổi nào về thông số tram, mật độ quang học, dotgain hay đường truyền tải tầng thứ đều buộc phải RIP lại nếu muốn tờ in đạt kết quả theo yêu cầu.

4. Độ bóng của hình ảnh

Nhiều người tin rằng chìa khoá cho chất lượng của phương pháp in Offset là ở khả năng tạo ra hình ảnhvới độ bóng cao của nó.Điều này không hoàn toàn đúng, vì thật ra điều quan trọng hơn chính là ở sự đồng nhất của độ bóng và sự phù hợp với vật liệu in. Minh chứng là nhiều bìa tạp chí và brochure có chất lượng cao có thể được tráng phủ bằng cả verni bóng lẫn verni mờ. Hơn thế, một số loại vật liệu in với cấu trúc bề mặt đặc biệt chỉ tạo ra cảm giác sang trọng khi không có bất kỳ lớp phủ bóng nào trên nó.

Sự đồng nhất trên bề mặt tờ in mới là vấn đề chính, chứ không phải chỉ ở độ bóng bề mặt. Mực in HP ElectroInk giúp tạo ra sự đồng nhất trên toàn bộ bề mặt tờ in, cho dù đó là giấy bóng láng hay giấy mờ thô ráp. Đây là điều khác biệt so với các máy in và máy photocopy sử dụng công nghệ DEP - tạo ra độ bóng như nhautrên mọi vật liệu in,cũng như không tính đến sự khác biệt về độ bóng giữa vùng tối (với toner phủ dày đặc) và vùng sáng (với rất ít toner).

Giống với in Offset truyền thống, các hình ảnh in bằng mực HP ElectroInk tạo được sự tương đồng về độ bóng với vật liệu in bên dưới nên rất phù hợp với các vật liệu có độ thô ráp bề mặt (surface roughness) từ 1 đến 10 micromét. Do lớp mực HP ElectroInk chỉ dày khoảng 1 micromét nên nó dễ dàng dung hòa với những chỗ “lồi” và chỗ “lõm” của cấu trúc bề mặt vật liệu mà không làm sang lấp chúng đi. Kết quả là không có sự khác biệt lớn về độ bóng giữa vùng in nhiều mực với nền giấy (xem hình 10).

 

Hình 10. Mực HP ElectroInk giúp bù đắp cho sự không bằng phẳng của bề mặt vật liệu

Dù mực toner của công nghệ DEP mịn đến cỡ nào thì kích cỡ của các phần tử mực cũng không thể nào nhỏ hơn giới hạn từ 5 đến 9 micromét, vì nếu quá nhỏ chúng sẽ bay lơ lửng trong không khí và không thể nào kiểm soát được. Bởi vì các phần tử mực toner khá lớn nên lớp mực do chúng tạo ra khá dày, và do đó không thể nào dung hòa được với độ thô ráp của bề mặt giấy. Như vậy, với công nghệ DEP, việc chỉ duy trì một độ bóng duy nhất vốn có của mực in sẽ tạo ra sự khác biệt lớn với độ bóng của giấy,làm cho ta cảm giác tờ in bịkém chất lượng. Khi vẽ đường đặc tuyến về độ bóng của các phương pháp in lên đồ thị, ta thấy mực in HP ElectroInk có độ bóng gần giống với độ bóng lý tưởng của giấy, trong khinhững đường thẳng nằm ngang cho thấy mực toner DEP luôn giữ một độ bóng cố định bất kể in trên vật liệu nào (xem hình 11).

Hình 11. So sánh về độ bóng giữa các phương pháp in khác nhau

5. Khoảng rộng phục chế màu

Các màu mực cơ bản của HP ElectroInk tương đương với các màu mực được qui định trong ISO 12647-2. Sự tương đồng này cho phép việc chuyển đổi đơn hàng qua lại giữa các máy in Offset và các máy in kỹ thuật số HP Indigođảm bảo không có hoặc rất ít sự thay đổi về màu sắc. Sự tương quan với mực in Offset cho phép lồng ghép các tờ in kỹ thuật số và in Offset với nhau thoải mái, đồng thờicó khả năng chianhững đơn hàng in Offset lớn (chiếm nhiều kho bãi) thành nhiều đợt in nhỏ bằng in kỹ thuật số. Mực in HP ElectroInk đã giúp cho các máy in HP Indigo đạt được chứng nhận của tổ chức Fogra và GRACoL, đảm bảo khả năng tạo ra các tờ in với màu sắc chính xác và phù hợp với các tiêu chuẩn về màu sắc của ngành in.

Mực in HP ElectroInk có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng để phù hợp với những bài in có sự gia tăng tầng thứ và độ dày lớp mực nằm ngoài tiêu chuẩn cho phép, tạo thuận lợi cho việc sử dụng các thông số màu (color profile) khác nhau, giúp loại bỏ sự cần thiết của việc phải thay đổi loại mực theo bài in.Như vậy, mực in HP ElectroInk chỉ cần sử dụng một bộ màu CMYK cho tất cả các bài in khác nhau; trong khi đối với in Offset truyền thống lại đòi hỏi phải sử dụng nhiều công thức mực CMYK khác nhau tùy theođặc điểm của bài in.

Ngoài 4 màu process (CMYK), các máy in kỹ thuật số HP Indigo còn có thể sử dụng thêm đến 3 màu nữa như với hệ mực HP IndiChromegồm CMYK, cam, tím hay vớiIndiChrome Plusgồm CMYK, cam, tím và xanh lá nhằm làm tăng khoảng rộng phục chế màu.

Hệ thống pha mực của HP (IMS - Ink Mixing System) rất phù hợp cho những bài in đòi hỏi pha màu PANTONE®chính xác. Hệ thống này sử dụng 11 màu mực gốc để pha thành rất nhiều màu đặc biệt với sự hỗ trợ của phần mềm tự động giúp người sử dụng thực hiện các bước đo đạc, phân tích và pha màu.

6. Mực khô ngay lập tức

Bởi vì mực in HP ElectroInk đóng rắn ngay khi vừa truyền lên vật liệu nên tờ in khô ngay khi rời khỏi máy in HP Indigo. Quá trình khô hoàn toàn sẽ diễn ra trong vài giờ đồng hồ sau khi in. Không giống như phương pháp in Offset truyền thống phải chờ khô hàng giờ trước khi thực hiện các công đoạn sau nếu tờ in không được sấy, với HP Indigo tờ in có thể thực hiện ngay các công đoạn sau in như cắt hoặc gấp mà không cần phải qua bộ phận sấy. Việc khô mực được tổ chức GATF (The Graphic Arts Technical Foundation) coi là vấn đề hàng đầu của phương pháp in Offset truyền thống, vốn gây ra rất nhiều sai hỏng cho tờ in và nhiều sự cố khi vận hành in.

Công nghệ in DEP và in phun cũng có thể tạo ra tờ in sẵn sàng cho các công đoạn sau, tuy nhiên DEP đòi hỏi phải tạo độ nóng thật lớn để làm nóng chảy toner trên giấy, còn công nghệ in phun thì đòi hỏi mực phải thấm hút vào giấy và sau đó phải khô trên bề mặt giấy, đây chính là điều làm hạn chế sự chọn lựa vật liệu in của 2 công nghệ in này.

7. Độ bền sáng

Sự kết bao pigment từ các phần tử nhỏ hơn bên trong chất nhựa dẻo của mực in HP ElectroInk giúp duy trì những tính chất hóa học của các pigment chống lại sự oxi hóa và những tác động của độ ẩm không khí, và đặc biệt là sự ảnh hưởng của tia tử ngoại có trong ánh sáng ban ngày. Điều này có nghĩa là độ bền màu của các hình ảnh in bằng mực HP ElectroInk vượt xa so với mực in Offset thông thường.

Ngày càng có nhiều người rửa ảnh chuyển sang dùng các giải pháp mới thay cho giấy rửa ảnh halogen bạc. Trong một nghiên cứu mới về độ bền sáng được công bố bởi tổ chức Wilhelm Imaging Research, mực in HP ElectroInk có độ bền cao hơn loại giấy rửa ảnh có độ bền tốt nhất là Fuji’s Crystal Archive. Nghiên cứu này đưa ra kết luận mực in HP ElectroInk được in trên giấy Kromekote có độ bền sáng đến 45 năm, gấp hai lần so với loại giấy rửa ảnh Kodak. Ngoài ra, khi bảo quản trong tối, mực in HP ElectroInk được đánh giá có độ bền tương đương với các loại sách ảnh (photo book),tức hơn 100 năm.

Mời xem "Khả năng thích ứng với nhiều loại vật liệu in" ở bài viết kế tiếp....

Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Copyright © 2013, Khoa In & Truyền thông - Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Địa chỉ: 01 Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84 - 8) 38968641 - Ext: 8360

E-mail: kitt@hcmute.edu.vn

Truy cập tháng:5,174

Tổng truy cập:35,661